Mở rộng cánh cửa nhà bạn- bí quyết dạy con kĩ năng sống không tốn một đồng

Chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết dạy con kĩ năng sống của chị  Nguyễn Ngọc Minh – Sáng lập Dự án phát triển văn hóa đọc Sách ơi mở r...

Chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết dạy con kĩ năng sống của chị Nguyễn Ngọc Minh– Sáng lập Dự án phát triển văn hóa đọc Sách ơi mở ra



Bí quyết dạy con kĩ năng sống không tốn một đồng

Mỗi buổi chiều đi làm về, tôi đều cố ý mở rộng cánh cửa, cho lũ trẻ con hàng xóm chạy ùa vào nhà. Nhà tôi lúc nào cũng ầm ầm huyên náo không khác nào cái chợ vỡ. Đứa thì đá bóng, đứa thì lắp lego, đứa thì ngồi thui thủi đọc sách. Chúng nó buôn chuyện với nhau, tranh cãi nhau, trêu chọc nhau, thậm chí đánh nhau rồi lại dàn hòa, không lúc nào được bình yên. Ngày nghỉ cuối tuần, sáng sớm tinh mơ đã thấy có thằng hàng xóm gõ cửa cốc cốc, thò đầu vào hỏi: Bạn Huy đã dậy chưa cô. Đến giờ đi ngủ mà nhiều hôm chúng nó vẫn mải chơi, chẳng chịu về nhà.
Đến mùa hè thì nhà giống hệt một xưởng thợ tí hon, thằng nấu cơm, thằng rửa bát, thằng quét nhà, thằng nhặt rau, um tí mẹt cả lên. Tôi ngồi giữa nhà làm việc, thỉnh thoảng liếc mắt xem thằng nào còn lười biếng thì nhắc nhở, thằng nào chăm chỉ thì khen ngợi vài câu. Chúng nó vô cùng hào hứng làm việc, loáng cái đã đâu vào đấy, bù lại, buổi trưa chúng có thể được ăn cơm cùng nhau, và điều quan trọng là mấy thằng được ăn những thứ lởm khởm tự tay mình nấu.
Khi đi dọc hành lang chung cư hay các ngôi nhà mặt phố, tôi thường thấy rất nhiều cánh cửa đóng kín, khóa chặt bởi tầng tầng lớp lớp các loại cửa. Khuất sau những cánh cửa đóng kín, có khi là rất nhiều những khuôn mặt trẻ con. Và càng ngày, người ta càng có thói quen nhốt mình trong đó, đồng thời cách ly bọn trẻ con khỏi mọi sự giao tiếp với thế giới xung quanh. Nhưng rất nhiều trong số những đứa trẻ bị nhốt chặt trong những ngôi nhà kiên cố đó, sau đó lại chật vật lao tới những trung tâm dạy kĩ năng sống, chỉ để học những kĩ năng sơ đẳng nhất của loài người: giao tiếp và chung sống.

Hãy mở rộng cánh cửa của bạn mỗi ngày.

Có một cách chẳng tốn một đồng để dạy trẻ con về kĩ năng sống, ấy là hãy mở rộng cánh cửa của bạn mỗi ngày. Hãy quan sát một lũ trẻ con đang chơi cùng nhau hay thậm chí cãi cọ nhau, giận dỗi nhau, bạn sẽ thấy chúng học được nhiều hơn bất cứ một lớp kĩ năng sống đắt tiền nào khác. Không có một người lớn nào có thể dạy bọn trẻ về kĩ năng sống tốt hơn là bọn chúng tự dạy nhau. Và vì thế, chơi trong cộng đồng trẻ con chính là cách tốt nhất để chuẩn bị cho trẻ hòa nhập với một xã hội đầy những bất ngờ khó đoán sau này. 
Trong lúc chơi với nhau, trẻ học được cách giao tiếp, kết nối, hiểu được các qui tắc ứng xử trong các mối quan hệ xã hội khác nhau. Chúng thậm chí còn học được những kĩ năng ngôn ngữ vô cùng cao siêu mà người lớn phải mất rất nhiều công sức cũng chưa chắc có thể dạy được như tranh biện, thương thỏa, đàm phán. Hãy quan sát một cuộc chơi của bọn trẻ, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy chúng động chạm tới vô vàn các chủ đề, sử dụng rất nhiều giọng điệu, các chiến lược phát ngôn khác nhau, liên tục điều chỉnh lời nói của mình để đạt tới mục đích giao tiếp.
 Trong lúc chơi, trẻ học cách nhận biết cảm xúc của người khác, biểu đạt cảm xúc của mình và điều chỉnh cảm xúc của mình sao cho phù hợp với hoàn cảnh và người giao tiếp, hiểu được hệ quả của những phản ứng tiêu cực như giận dữ, ích kỉ… cũng như nhận ra được giá trị của sự nhường nhịn, hòa thuận. 
Trong lúc chơi và buôn những câu chuyện đầu Ngô mình Sở, bọn trẻ học được rất nhiều thông tin mới về thế giới xung quanh, hơn rất nhiều so với việc học trong sách vở và lớp học. Mỗi đứa trẻ là một nguồn thông tin vô tận, và trong cuộc chơi, chúng chia sẻ, kết nối, tương tác để làm nảy sinh vô vàn những thông tin đa dạng, bất ngờ. Đó là cách học tự nhiên nhất nhưng cũng dễ dàng nhất của loài người từ khi chưa có trường học, chưa có sách vở hay các phương tiện văn minh. 
Trong lúc chơi, bọn chúng sẽ liên tục tạo ra những tình huống phức tạp: cả lũ đang xây một ngôi nhà cao tầng bằng gỗ thì bỗng nhiên bức tường nhà lung lay, và cả lũ phải tìm đủ mọi cách che chắn, nâng đỡ cho nó khỏi đổ; hoặc là đang vui vẻ hòa thuận, bỗng nhiên thằng bé nhất xoay ra phá đám, đạp đổ tất cả khiến bao nhiêu công sức của cả đội đổ xuống sông xuống bể. Thậm chí đúng lúc bọn chúng đang chơi cờ một cách hăng say thì em bé hàng xóm tè dầm ướt hết cả bàn cờ. Trước những tình huống ấy, chúng buộc phải tìm cách giải quyết và đó là khi chúng học được kĩ năng giải quyết vấn đề, thậm chí cần phải đoàn kết lại để có thể giải quyết một vấn đề khó.
 
Trong một sân chơi, bao giờ cũng có luật, một thứ luật bất thành văn mà lũ trẻ tự hiểu là phải tuân thủ. Tuy nhiên, thường xảy ra trường hợp, thằng bé nhất không theo kịp các anh lớn, hoặc không hiểu luật chơi, và bắt đầu xoay ra phá bĩnh. Chúng sẽ bị cả bọn trách móc, trừng phạt và tạm cách ly. Kẻ phá đám sẽ ngồi rầu rầu một góc, không có trò gì chơi hết, không ai chú ý đến nó hết, và dần dà nó học được bài học về kỉ luật, khi nó muốn tham gia, nó phải tuân thủ luật chơi nếu không muốn bị tẩy chay. 

Việc học hỏi này dễ dàng và tự nhiên hơn rất nhiều các bài học kỉ luật tự giác mà người lớn tốn tiền triệu đi học để về nhà dạy con. Cộng đồng những đứa trẻ đang chơi là một xã hội thu nhỏ với sự phân vai, phân chia thứ bậc và công việc, là nơi thể hiện rất rõ những thiên hướng bẩm sinh của một đứa trẻ và thậm chí nếu quan sát thật kĩ cộng đồng chơi tí hon này, bạn có thể ít nhiều dự đoán về tương lai của từng đứa.
Bao giờ cũng có những đứa trẻ làm chủ cuộc chơi. Chúng là người khởi xướng các trò chơi mới, thiết lập nên luật chơi, kết nối và sắp xếp nhân sự, giải quyết các xung đột và đôi khi thổi bùng các xung đột, có xu hướng bênh vực hoặc tẩy chay kẻ yếu thế. Chúng thường là những đứa trẻ có năng lực tổ chức bẩm sinh, và hứa hẹn có thể trở thành những nhà lãnh đạo tài giỏi trong tương lai. Có những đứa trẻ sẽ rất nghiêm túc tuân thủ luật chơi, chúng say mê và bền bỉ theo đuổi cuộc chơi nhưng thường lẳng lặng, ít tương tác với người khác. Những đứa trẻ như thế thường có thiên hướng trở thành những chuyên gia, có khả năng làm việc độc lập và kiên trì theo đuổi con đường của mình, ít quan tâm đến hoàn cảnh xung quanh. Bạn cũng có thể quan sát thấy rất nhiều những đứa trẻ khác thường xuyên phá bĩnh và bị tẩy chay, đuổi cổ ra khỏi sân chơi.
Chúng thường có khả năng phê phán rất tốt, tính cách vô cùng độc lập và luôn muốn khẳng định sự khác biệt của bản thân. Những đứa trẻ này có thể trở thành những nhà sáng chế, những thiên tài đột xuất, hoặc ngược lại, nếu không được nuôi dạy đúng cách, có thể trở thành những phần tử quá khích trong xã hội sau này.
Thế giới chơi của đứa trẻ cũng đa dạng và phức tạp hệt như thế giới người lớn, và chỉ cần để tâm quan sát chúng chơi với nhau hàng ngày, bạn có thể dễ dàng phát hiện ra những tiềm năng, sở trường sở đoản của chúng mà không quá tốn tiền đầu tư vào trắc nghiệm vân tay hoặc mệt mỏi với các bài test EQ, IQ, AQ. Không ở nơi đâu và không khi nào mà con người chân thật của đứa trẻ lại bộc lộ rõ nét như khi đứa trẻ đang tự do và vô tư vui chơi. 
Vui chơi là cách để trẻ học hỏi và tương tác với thế giới xung quanh, có được sự phát triển thể chất và tinh thần cũng như rèn luyện các kĩ năng xã hội để có thể thích ứng và trưởng thành trong cuộc sống sau này. Giáo sư Keren Hutchinson của trường Đại học Rowan nói: “chơi thực sự là một công việc của một đứa trẻ để chuẩn bị cho chúng trước khi trở thành người lớn và tham gia vào xã hội rộng lớn sau này”. Đối với một đứa trẻ, chơi là một phương tiện để khám phá và học hỏi, phát triển những kĩ năng mới và kết nối với thế giới. 
Vui chơi cũng kích thích sự tò mò, khả năng sáng tạo ở trẻ. Không có cuộc chơi nào giống cuộc chơi nào. Mỗi đứa trẻ bản thân chúng đã đầy ắp những ý tưởng táo bạo, bất ngờ, không ai có thể lường trước. Nhưng khi những đứa trẻ ngồi lại và chơi, các ý tưởng bắt đầu tương tác, tung hứng để tạo ra vô vàn các ý tưởng ngớ ngẩn khác, làm cuộc chơi trở thành một cuộc phiêu lưu tuyệt hảo của các ý tưởng, một thế giới lộn xộn, phi logic chất chứa đầy rẫy những điều bí ẩn không thể dự báo trước. 
Vui chơi giải phóng những ức chế và tạo nên sự hưng phấn, niềm hạnh phúc bên trong mỗi đứa trẻ, khơi mở nguồn năng lượng sống ẩn tàng bên trong mỗi con người. Chẳng phải khát vọng lớn nhất và động lực lớn nhất khiến cho ta sống trên cõi đời này là để cảm nhận được niềm hạnh phúc ở trong lòng sao? 
Đối với một đứa trẻ, vui chơi mới là công việc chính của chúng, là cách thức tuyệt vời nhất để học hỏi mọi điều về thế giới xung quanh, cũng là điều tuyệt vời nhất sẽ đọng lại trong cuộc đời của chúng. Chính vui chơi mới là thứ tạo nên những kí ức đẹp đẽ về thời thơ ấu.

Lời ngẫm

Con người có đến vài chục năm để học hành, làm việc khổ sai và âu lo, trong khi có quá ít thời gian để được vui chơi. Một đứa trẻ có một tuổi thơ hạnh phúc bằng sự tương tác với bạn bè của chúng sẽ là một đứa trẻ biết sống hạnh phúc trong cộng đồng người lớn sau này.
 Không phải cứ dạy dỗ con thật nhiều là tốt, cũng không nhất thiết phải đầu tư thật nhiều tiền cho con tới học các trung tâm giáo dục sang chảnh. Việc bạn có thể làm để nuôi dưỡng nên một con người thông minh, năng động, biết hợp tác với người khác, biết chia sẻ và đủ bao dung để chấp nhận sự khác biệt… nhiều khi thật là đơn giản: hãy mở rộng cánh cửa nhà bạn mỗi ngày và quan sát lũ trẻ đan

Thành công không bao giờ là quá muộn!

Trang tổng hợp tin tức công nghệ thông tin, xe hơi, các công nghệ vượt trội trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và đời sống Ví dụ: Apple, Lexus,Toyota, BMW, Sony, Smart tivi, Samsung.

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét