Thắc mắc phổ biến khi virus Zika lan rộng ở Sài Gòn
35 người TP HCM được ghi nhận mắc bệnh Zika, một em bé ở Đăk Lăk bị dị tật đầu nhỏ do virus Zika. Cơ quan y tế dự báo dịch có thể lan rộng trên địa bàn.Nhiều người đang có kế hoạch sinh con lo lắng có nên mang thai trong bối cảnh virus Zika bùng phát và làm thế nào để đảm bảo thai kỳ suôn sẻ đón em bé chào đời an toàn không dị tật.
Người nhiễm virus Zika dù có hay không có triệu chứng đều nguy cơ lây nhiễm cho muỗi và cho người khác.
Phó giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP HCM giải đáp những thắc mắc phổ biến về bệnh do virus Zika.
Virus Zika sau khi điều trị có hết hẳn không hay vẫn tồn tại trong cơ thể?
Bệnh do virus Zika vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu. Virus có trong máu người, tinh dịch tùy theo giới, đối tượng, thời điểm nhiễm bệnh và biểu hiện lâm sàng. Người bình thường sau khi phơi nhiễm virus tồn tại trong máu đến 14 ngày (đặc biệt trong 7 ngày đầu khởi phát là thời gian dễ nhiễm sang muỗi), trong nước tiểu là 30 ngày và trong tinh dịch đến 6 tháng. Đặc biệt phụ nữ mang thai khi nhiễm virus Zika không có triệu chứng, virus tồn tại trong máu đến 53 ngày sau phơi nhiễm. Nếu có triệu chứng thì virus có thể tồn tại đến 62 ngày sau khởi phát. Người nhiễm virus Zika dù có hay không có triệu chứng đều nguy cơ lây nhiễm cho muỗi và cho người khác.
Khoảng 60-80% người nhiễm virus Zika không có biểu hiện bệnh. Khoảng 20% người nhiễm virus Zika có biểu hiện bệnh sau khi bị nhiễm virus từ 3 ngày đến 14 ngày. Bệnh thường nhẹ, điều trị ngoại trú với các biểu hiện thường gặp như phát ban, sốt (thời gian sốt kéo dài từ 4 đến 7 ngày), viêm kết mạc, đau đầu, đau cơ, đau khớp.
Phân tích triệu chứng trên số bệnh nhân Zika tại khu vực phía Nam từ đầu năm 2016 đến nay cho thấy 100% bệnh nhân có phát ban và sốt, 79% có đau cơ, 45% đau khớp, 27% có triệu chứng khác và 18% có viêm kết mạc. Tuy nhiên việc chẩn đoán nhiễm Zika không chỉ căn cứ trên biểu hiện lâm sàng mà còn căn cứ tình hình dịch tễ, kết quả xét nghiệm và đặc biệt thời gian phơi nhiễm.
Người đã từng mắc bệnh có nguy cơ tái phát không?
Tất cả mọi người đều có nguy cơ nhiễm virus Zika. Theo các bằng chứng khoa học và hiểu biết hiện nay về bệnh, một khi nhiễm virus Zika thì sẽ không có nguy cơ nhiễm thêm lần nữa.
Đàn ông, phụ nữ sau khi nhiễm virus Zika thì bao lâu sau mới nên sinh con? Nam giới không có yếu tố nguy cơ có nên đi tầm soát virus Zika trước khi muốn sinh con?
Virus tồn tại trong tinh dịch lên đến 6 tháng, lâu hơn so với máu, nước tiểu của người bệnh. Do đó kể từ thời điểm có biểu hiện bệnh hoặc phơi nhiễm Zika sau ít nhất 2 tháng đối với phụ nữ, 6 tháng đối với nam giới và khi cơ thể hết virus, được tư vấn của cán bộ y tế mới nên quyết định việc mang thai.
Việc xác định nhiễm virus Zika dựa trên biểu hiện lâm sàng, tình hình dịch tễ, kết quả xét nghiệm và đặc biệt thời gian phơi nhiễm và không có căn cứ nào là"tiêu chuẩn vàng". Ngay như trong thời gian xét nghiệm để có kết quả, cũng có thể tiếp xúc với nguồn bệnh và nhiễm bệnh nếu chủ quan, không có biện pháp dự phòng hiệu quả. Chưa kể với kỹ thuật xét nghiệm hiện nay, chủ yếu phát hiện nhiễm virus Zika trong vòng 5 ngày ở mẫu máu và 7 ngày ở mẫu nước tiểu kể từ ngày khởi phát bệnh. Biện pháp hiệu quả nhất là trong khoảng thời gian trên cần bảo vệ muỗi đốt, đặc biệt trong vùng lưu hành sốt xuất huyết, Zika; tình dục an toàn.
Thai phụ nhiễm bệnh trong 3 tháng đầu mà không hay biết, đến lúc phát hiện thai nhi dị tật đầu nhỏ thì đã trễ. Khi đó thai phụ phải làm gì?
Phụ nữ mang thai cần được đặc biệt bảo vệ trong việc phòng chống nhiễm virus Zika vì gây ảnh hưởng lên sự phát triển của hệ thần kinh thai nhi. Do đó, phụ nữ mang thai cần:
- Tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng tránh muỗi đốt theo hướng dẫn của ngành y tế.
- Nếu đang sống trong vùng dịch hoặc có chồng/bạn tình đi/đến/ở vùng dịch nên kiêng quan hệ hoặc quan hệ tình dục an toàn trong suốt thời gian mang thai.
- Khám thai định kỳ và đặc biệt phải đến ngay các phòng khám/bệnh viện chuyên khoa sản khi có dấu hiệu mắc bệnh để được khám, theo dõi. Bác sĩ sẽ tư vấn, đề xuất các giải pháp chăm sóc sức khỏe với thai phụ tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Phụ nữ mang thai không thể tự bảo vệ một cách hiệu quả nếu không có cả cộng đồng cùng tham gia diệt muỗi, loăng quăng giúp giảm số mắc Zika, sốt xuất huyết và làm giảm nguy cơ lây virus Zika sang phụ nữ mang thai.
Trẻ sơ sinh bị dị tật đầu nhỏ sẽ đối diện những nguy cơ nào?
Tật đầu nhỏ là một bệnh cảnh mà vòng đầu của trẻ nhỏ hơn so với vòng đầu của trẻ ở cùng độ tuổi và giới. Tật đầu nhỏ xảy ra khi có một trong hai tình huống: bất thường làm cho não của bào thai ngừng phát triển trong tử cung; hoặc sau khi sinh đầu của trẻ ngừng phát triển. Tật đầu nhỏ có thể được gây ra bởi các yếu tố về di truyền, độc tố và các bệnh nhiễm trùng như Zika, Rubella, CMV.
Kể cả kích thước não bình thường trong thai kỳ, khi sinh ra não không phát triển, cũng gọi là đầu nhỏ.
Các bằng chứng khoa học gần đây cho thấy phụ nữ mang thai nhiễm virus Zika, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ thì trẻ sinh ra có nguy cơ mắc hội chứng Zika bẩm sinh. Đây là một dạng khuyết tật về cấu trúc và chức năng gây tổn thương thứ cấp đến hệ thống thần kinh trung ương, thần kinh ngoại biên. Biểu hiện có thể phát hiện được trong thai kỳ là đầu nhỏ. Ngoài ra còn một số biểu hiện của hội chứng này như các khuyết tật về nhận thức, giác quan và vận động, không phát hiện được trong thai kỳ. Kể cả kích thước não bình thường trong thai kỳ, khi sinh ra não không phát triển, cũng gọi là đầu nhỏ.
Bé bị dị tật đầu nhỏ do Zika như em bé Đăk Lăk ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ như thế nào? Khả năng điều trị sau khi chào đời?
Trẻ em sinh ra với tật đầu nhỏ thường gặp nhiều khó khăn và thách thức khi lớn lên. Các di chứng thần kinh ở trẻ bị tật đầu nhỏ có thể bao gồm co giật, bất thường nghe hoặc nhìn, chậm phát triển về trí tuệ và vận động (như chậm lẫy, đứng, đi, giảm khả năng học) và ăn uống khó khăn (như nuốt khó). Tại các nước phát triển như Mỹ, chi phí chăm sóc cho một trẻ mắc tật đầu nhỏ khi sinh ra cho đến hết đời có thể lên đến 10 triệu USD, chưa kể những tác động lên gia đình và xã hội.
Khi thấy hệ quả trên thai nhi hoặc trẻ sơ sinh nghĩa là người mẹ đã mắc lúc 3 tháng đầu của thai kỳ, tức là 6 tháng trước khi sinh. Do đó cộng đồng cần vào cuộc diệt muỗi, loăng quăng nhằm cắt đứt đường lây truyền chủ yếu từ muỗi, giúp giảm số mắc Zika, cũng như sốt xuất huyết trong cộng đồng và làm giảm cơ hội lây virus Zika sang phụ nữ mang thai. Phụ nữ mang thai và dự định mang thai trước 2 tháng không để muỗi chích, cũng như tình dục an toàn thì sẽ bảo vệ thế hệ sau trước dịch Zika nguy cơ lưu hành trên toàn cầu.
Việt Nam hiện ghi nhận 42 trường hợp dương tính với virus Zika tại TP HCM (35 ca), Đăk Lăk (2), Bình Dương (2), Khánh Hòa (1), Phú Yên (1) và Long An (1). Một em bé ở Đăk Lăk được xác định bị dị tật đầu nhỏ do virus Zika. |
Có 0 nhận xét Đăng nhận xét